Chọn ngôn ngữ hiển thị

17/4/09

Đồi Cù ngày thơ



Hai tiếng "thảo nguyên" gợi lên trong trí ta một màu xanh nước mênh mang, đưa tâm hồn ta đi vào cõi xa diệu vợi. Ai đã nghĩ rằng Đà Lạt có thảo nguyên? Những đồi cỏ ở Lạc Dương hay chính ngay trung tâm thành phố: Đồi Cù? Ai nỡ chỉ tính diện tích rộng hay hẹp để giới hạn mong ước của con người! Nếu vượt qua tiêu chuẩn diện tích đất đai, Đồi Cù vẫn là một thảo nguyên trong ký ức của các dân tộc ở đây. Đồi Cù có thông, có những thảm cỏ xanh, dòng suối róc rách chảy qua thung lũng, và đặc biệt có nhiều gió như ở giữa một thảo nguyên thực sự mà nhiều nhà văn đã mô tả. Nhìn từ xa, những ngọn đồi mượt mà nổi rõ lên bên hồ Xuân Hương, nhất là khi trời chuyển mưa: mưa thưa dần và cái lạnh lại tan nhiều trong nắng và gió. Càng lạnh, gió càng nhiều và càng thôi thúc người ta thử phi ngựa quanh thảo nguyên bé bỏng ấy.
Gió hội tụ trên đỉnh đồi, nơi có những khoảng đất gọt phẳng với nhiều lỗ thật tròn, dấu tích của một môn thể thao mà ngày nay gần như phai mờ trong trí nhớ dân Đà thành: đánh cù. Môn thể thao đã qua thời "náo nức", nhưng lưu lại tên cho một nhóm đồi. Một biệt thự lẻ loi ở phía đường xuống vườn hoa, đã qua rồi thời rộn rịp: Golf Club (nhà sinh hoạt của hội chơi cù).

Đối với người dân Đà Lạt, đối với các dân tộc người thiểu số ở đây, nhất là đối với những chú bé lớn lên từ thành phố, trong tiềm thức Đồi Cù là thảo nguyên vừa mộng vừa thực. Khách dừng lại ở sườn đồi về phía Golf Club, qua con dốc gặp một dòng suối nhỏ. ở chỗ nước sâu mọc lên những hoa súng. Ai có "duyên nợ lịch sử" như Đinh Gia Trinh với loài hoa "tiên tử" sẽ thấy được những hoa súng "xô đẩy lên trên mặt nước một tâm hồn, phô cả bộ mặt với trời xanh như tận hưởng tình của trời đất". Lại có chỗ như đầm lầy cho lau sậy yếu ớt, những con người của Pascal có đất sống mà suy tưởng. Dưới suối có cá "lòng tong" bé xíu rất kén mồi. Khách muốn câu cá phải thật nhẫn nại đợi chờ như ngày xưa Lã Vọng ngồi câu chờ thời cuộc bên dòng sông Vị đến vóc gầy, đầu bạc. Có những hôm nắng ấm, nơi suối cạn, lũ trẻ con tranh nhau dầm chân xuống nước. Một cảm giác mát lạnh, lâng lâng. Rồi chúng tát nước vào nhau, lúc chững lại lội xuống khuấy bùn đất lên đục ngầu, nhưng vài phút sau, lên bờ lại có thể soi mặt ngay vũng nước ấy. Nước chóng trong như tâm hồn trong trắng của lũ trẻ. Nô giỡn đến mệt nhoài, các chú nhóc leo lên đồi nằm nghỉ ngửa mặt nhìn vòm trời xanh bao la vời vợi. Lúc khát nước, các chú đào củ "mưa đá" nhai hay uống. Ai lại trở xuống suối vốc nước cho phiền! Sẵn "cây mưa đá" ở bên cạnh, có hoa vàng, nhỏ như ngón tay, cao chừng một tấc, lũ trẻ chỉ cần một cành thông, cũng ở đâu đó bên chỗ nằm, xới đất sâu độ nửa gang, tìm được ngay một củ "hoa mưa đá" to bằng ngón tay cái. Gỡ vỏ, "củ hoa" trắng tinh. Ai mà cầm lòng được? Và thế, trẻ nhai ngấu nghiến, rất ngon lành. Một cảm giác dèo dẻo ở đầu lưỡi. Và trẻ con hết khát. Trong ý nghĩ của trẻ con Đà Lạt, thì khi những trận mưa đá đầu mùa trút xuống cao nguyên, có những hạt nước đá to bằng ngón tay mà trẻ thường thấy sau cơn mưa, trên cỏ, trên sân, trên hoa, trên lá... những hạt mưa ấy chui lọt xuống lòng đất nằm chờ cho đến cuối mùa mưa, ngoi lên mặt đất, nở hoa vàng mời mọc những bạn quen tìm kiếm đã nô giỡn với chúng, đã nâng niu chúng, bỏ vào những chiếc lon, những cái ly lạnh buốt nên chốc lát chúng tan biến đi như những viên ngọc của những nàng tiên không bao giờ ấm tay người trần thế vô duyên. Truyền thuyết ấy sống mãi trong tâm trí các chú bé Đà Lạt mỗi khi nhai ngấu nghiến củ mưa đá. Có lẽ sự mát lạnh của huyền thoại về những cơn mưa đầu mùa ngấm vào tâm hồn trẻ thơ hơn là tác dụng của củ hoa hoang dã đối với vị giác của lũ bé con chưa từng quen cay đắng của cuộc đời?

Có một dạo Đồi Cù vắng bóng "hoa mưa đá". Hồi cuối những năm 60 khi xe Sach và Goebel không còn được ưa chuộng, khi xe Honda được dân Đà Lạt mến yêu. Bước chuyển sở thích về xe ấy lại là một tai họa cho loài "hoa mưa đá", tai họa cho huyền thoại, tuổi thơ Đà thành. Xe Honda tràn lên Đồi Cù. Một môn gọi là "thể thao" mới xuất hiện: đua Honda trên thảo nguyên. Những chiếc xe thi nhau lao lên không trung, rơi xuống, điên cuồng, cày nát không biết bao nhiêu vùng cỏ hoa hoang dã. Sự diệt chủng của một loài hoa không ngờ chỉ vì một trò chơi nhất thời của con người! Dù cho hoa mưa đá đã hiểu thân phận của mình, nên không rực rỡ khoe màu mà sống âm thâm với cỏ dại, hòa mình với màu đất, màu trời! Còn chú bé nào không chịu lôi cuốn trong phong trào "phi Honda" ấy muốn kiếm những củ "hoa mưa đá" trong cơn khát nước phải đợi đến mùa sau! Những mùa sau biết ai còn trở lại? Và biết đâu những tai ương khác lại không đến với muôn loài?

Sườn đồi nhìn về phía trường Bùi Thị Xuân, từ dòng suối qua chiếc cầu nhỏ, khách đi thêm một đoạn đường mòn sẽ gặp nhữmg bụi cây đặc biệt của Đà Lạt: những bụi cây đuôi chồn. Người yêu hoa hồng, cẩm chướng, muốn một bình hoa đẹp thì phải tìm cho được vài lá đuôi chồn để cắm chung. Ai ngờ hoa lá khác loài mà sống chung lại hòa hợp thẩm mỹ đối với khách yêu hoa. Nhưng lũ trẻ chưa đến kỳ yêu hoa, chúng chỉ tìm thấy ở đuôi chồn một phương tiện đùa giỡn lý thú: những chiếc gậy con con, màu nâu đen ngộ nghĩnh đẹp như tuổi thơ của chúng. Thế là chúng chia phe, dùng gậy đuôi chồn khèo nhau chơi, và tiếng cười trong trẻo liên tục truyền đi, lắng tỏ giữa vùng đồi núi mát dịu một màu xanh mênh mông. Có hôm mây trắng ở đâu bay về thật nhiều, hình như có tơ trời nữa. Lũ trẻ cứ nhìn mây trắng và tơ trời ngang qua đầu mà sờ sững, có đứa dùng cây gậy đuôi chồn đưa lên không quyết "khèo" cho được một áng mây qua! ở những thảo nguyên của á châu trầm lắng, người ta có ý tưởng hoặc cảm nhận như trẻ của Đà thành không?

Trước 1975, khách cũng có đến chơi Đà Lạt, tuy không ồ ạt, náo động như bây giờ. Cũng có người lên Đồi Cù nhưng họa hoằn mới mò đến tận Golf Club, nơi các đoàn thể thanh niên học sinh sinh viên thường sinh hoạt. Có một dạo, trong ngôi nhà Golf Club vang vọng tiếng nhạc dân ca quốc tế, nhạc của Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng ở đây thanh niên nam nữ tập vũ, diễn kịch. Qua cửa kính, khách bước Polka, Nazurka... và nếu ai chú ý, những người say sưa tập vũ, đóng kịch ấy lại có mặt trong các buổi biểu tình đấu tranh ở thành thị. Những kỷ niệm đã qua có còn trở lại?

Những ngày Đà Lạt thật yên, trên đỉnh Đồi Cù vẫn lộng gió. Ta cứ ngỡ gió xôn xao kéo về từ phía hồ Xuân Hương, nơi những chiếc xe đạp nước đang lặng lờ di động. Ngồi trên đồi cao ngắm hồ, ta thấy tâm hồn yên tĩnh lạ thường. Tuổi ấu thơ nhiều thần thoại hình như được quay phim trở lại. Không hẹn mà khách trần ai bỗng trầm lặng. Có lẽ thiên nhiên và con người trong một khoảnh khắc đã hòa hợp cảm thông thực sự với nhau.
Nguồn Dalatmylove

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một số lưu ý khi bạn nhận xét bài trong VisitDalat'sBlog
Không nhận xét những lời lẽ thiếu văn hóa, ảnh hướng đến thuần phong mỹ tục,Ngôn ngữ chuẩn mực ,Không đả khích chê bai,Chính trị, tôn giáo ,Khuyến khích các bài viết hay mang tính xây dựng cao
Rất mong sự ủng hộ và đóng góp của bạn cho VisitDalat's Blog

Bài Đã Đăng

Bài đăng Phổ biến