Chọn ngôn ngữ hiển thị

7/6/09

Phong cách người Đà lạt

VisitDalat's Blog VÀI NÉT VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CƯ DÂN ĐÀ LẠT
Hình thành và phát triển trong vòng 100 năm, thành phố Đà Lạt còn rất trẻ nhưng với nhiều ưu thế tự nhiên, nó đã xác định cho mình một bản sắc cá biệt.
Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều nguồn cư dân. Từ trước, nơi đây đã là quê hương lâu đời của người Lạch. Người Pháp trong ý đồ tìm kiếm cho mình nơi nghỉ dưỡng, đã đến Đà Lạt và trong một thời gian dài xây dựng thành phố với dáng dấp và bộ mặt đến nay vẫn còn thể hiện rõ nét. Người Kinh đến Đà Lạt định cư đồng thời với người Pháp. Họ đóng góp sức lực, ý chí lớn lao trong việc xây dựng thành phố và gắn bó lâu dài với vùng đất họ chọn làm quê hương cho mình và con cháu mai sau.


Ngày nay, Đà Lạt là thành phố cao nguyên có số lượng người Kinh chiếm đa số tuyệt đối, nên nói đến phong cách người Đà Lạt là đề cập đến lối sống và cách ứng xử của nhóm cư dân này.
Đà Lạt là thành phố không những trẻ trong tuổi đời mà còn trẻ trong cá tính. Các luồng dân nhập cư và con cháu của họ mới có một thời gian chưa dài trong quá trình hội nhập, giao thoa giữa các cá tính và bản sắc địa phương. Đà Lạt vừa là môi trường tổng hòa các mối giao lưu vừa là kết quả tổng hợp các tinh hoa từ nhiều miền để hình thành cho mình một bản sắc với nhiều dáng vẻ độc đáo. Trong quá trình tổng hợp, không loại trừ khả năng chọn lọc, đào thải, vì thế bản sắc cư dân Đà Lạt không phải tổng cộng các sắc thái địa phương. Điều này xác định cư dân Đà Lạt có các giống cư dân các miền khác nhưng không phải là cư dân bất cứ một miền nào trên đất nước.
Chắt lọc, tinh chế, tổng hòa đã đúc thành một mẫu người Đà Lạt có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà Nội mà không phải Hà Nội, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi. Bản sắc con người Đà Lạt rất dễ cảm nhận và phân biệt nhưng gọi tên nó là gì vẫn còn là chuyện rất tế nhị.
2. KHÁI NIỆM VỀ PHONG CÁCH
Khái niệm về phong cách đã có từ xa xưa và được hiểu một cách khá nhất quán trong quan điểm Đông và Tây theo hai nghĩa:
Nghĩa thứ nhất: Phong cách bao gồm phong độ, phẩm cách của con người. Phong độ là dáng vẻ, sắc thái bề ngoài. Phẩm cách là cách thức ứng xử giao tiếp thể hiện những phẩm chất về tư tưởng, tình cảm bên trong của con người đó.
Nghĩa thứ hai: Phong cách là cách thức riêng thể hiện ở các tác phẩm văn học, nghệ thuật của một tác giả, một nghệ sĩ, một thời đại, một xứ sở.
Phong cách đang bàn ở đây hiểu theo nghĩa thứ nhất và đầu tiên được dùng với nghĩa tốt đẹp. Khi ta nói một người có phong cách là mặc nhiên công nhận người đó có dáng vẻ chững chạc, sắc thái trang nghiêm, ứng xử kín đáo và giao tiếp lịch sự. Theo thời gian, khái niệm phong cách mất dần ý nghĩa tốt đẹp ban đầu để chuyển sang nghĩa trung tính. Có thể nói người này có phong cách tốt, người kia có phong cách xấu, mặc dù cách nói sau ít dùng hơn. Phong cách hình thành và chịu tác động của các điều kiện tự nhiên, môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế... qua các thời kỳ phát triển lịch sử.

3. YẾU TỐ HÌNH THÀNH PHONG CÁCH ĐÀ LẠT
3.1 Yếu tố tự nhiên, môi trường, cảnh quan:
Đà Lạt trong ý thức mọi người là một xứ sở thơ mộng, một vùng khí hậu trong lành, mát mẻ. Đà Lạt bốn mùa mát lạnh đem đến cho người Đà Lạt một cách phục sức đàng hoàng, trang nhã.
Y phục kín đáo là một nhu cầu của người Đà Lạt và họ không thể bỏ quên yếu tố đó khi tìm kiếm vẻ đẹp của mình. Vẻ kín đáo đó làm cho người Đà Lạt có một nét trầm tư, thanh lịch.
Không những trong trang phục, ăn ở của người Đà Lạt cũng mang dáng vẻ kín đáo. Nhà cửa ở Đà Lạt, dù biệt thự hay nhà bình dân, vẫn ấm cúng, không thoáng gió như ở xứ nóng. Mọi sinh hoạt chỉ thu gọn trong phạm vi ngôi nhà.
Khí hậu mát mẻ còn ảnh hưởng đến thể chất con người. Khí hậu Đà Lạt thuận lợi cho thiếu nữ và trẻ em nên họ có dáng dấp chắn chắn, khỏe mạnh, đôi má ửng hồng, nhất là những ngày sương giá giữa mùa hoa mai anh đào. Cái đẹp người thiếu nữ Đà Lạt là cái đẹp khỏe mạnh, tinh khiết, không son phấn màu mè, nét đẹp trầm trầm, kín đáo, e thẹn nhưng rất tự tin.
Đà Lạt là một vùng không gian xanh. Đồi thông, bãi cỏ, da trời, màu nước... tất cả một màu xanh. Màu xanh mang đến cho con người sức sống, niềm tin yêu, hy vọng. Màu xanh làm cho con người có cảm giác yên lành, bình thản.
Dân số Đà Lạt chưa cao lắm so với diện tích tự nhiên nên mật độ dân cư cũng như các phương tiện giao thông, sinh hoạt chưa gây nên những khó chịu, căng thẳng cho con người. Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng. Tốc độ, nhịp độ sống không xô bồ, náo nhiệt, khẩn trương như các thành phố khác. Môi trường ấy làm cho con người thanh thản, dễ chịu, có ảnh hưởng tốt cho loại hình lao động trí óc, những ngành nghề có yêu cầu chính xác, tinh vi.
Nhiều nhà xã hội học đã xác nhận người nông dân chất phác, hiền lành, chân thật hơn người thành phố là do họ thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên trong điều kiện chưa có sự can thiệp của các yếu tố tiện nghi cơ giới. Thiên nhiên bao quanh người Đà Lạt hầu như còn nguyên. Con người Đà Lạt tuy tiếp xúc với các tiện nghi vật chất mới nhưng ảnh hưởng cảnh quan, môi trường tạo cho họ một tính cách vừa hiền lành đôn hậu của người sống gần thiên nhiên vừa có nét hiện đại hài hòa với cốt cách dân tộc một cách đậm đà.
"Nếu con người là tổng hòa các mối quan hệ tự nhiên và xã hội thì yếu tố thiên nhiên dự phần quan trọng hình thành phong cách của con người sinh trưởng tại xứ sở "muôn hoa, ngàn cây, núi non trùng điệp này". Đã là con người, ai cũng có nhu cầu được thoải mái, dễ chịu, không bị hoàn cảnh làm căng thẳng tinh thần. Hoạt động trí óc, hành vi ứng xử hằng ngày chịu ảnh hưởng sâu đậm của môi trường. Đà Lạt với khí hậu ôn hòa, quang cảnh tươi đẹp là môi trường lý tưởng cho sự phát triển một phong cách lành mạnh, hài hòa. Nếu nghiên cứu kỹ, ta có thể thấy rằng thiên nhiên Đà Lạt tự nó đã góp phần đào luyện trí tuệ, tâm tính con người sinh ra trong lòng nó. Cách tư duy có lý có tình, lối nhìn sự vật một cách toàn diện dường như tiềm ẩn tự nhiên nơi họ".
3.2 Yếu tố xã hội, kinh tế
Cư dân Đà Lạt từ nhiều nguồn đổ về. Trong cộng đồng cư dân ấy có nhiều yếu tố địa phương gốc gác chung đụng, cọ xát để hình thành một tập thể cư dân vừa có cái gì đó của Đà Lạt và một phần nào đó của các địa phương. Có thể nói, ngoài một số rất nhỏ người gốc Nam Bộ, phần lớn cư dân Đà Lạt đều có xuất xứ từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung. Trong đó phải kể nhiều nhất là dân các tỉnh phụ cận Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Trị Thiên, Nam - Ngãi - Bình - Phú. Họ đến Đà Lạt mang theo truyền thống, bản sắc của những địa phương đã có độ dày bền vững và những nét cá biệt độc đáo không thể lẫn lộn được.
Người miền Bắc ở Đà Lạt phần lớn là người Hà Nội và các tỉnh chung quanh. Ở đó họ đã có một truyền thống văn hiến lâu đời với đầy đủ lễ nghi, tập tục, phong cách, lối sống. Ngôn ngữ và phong thái của nhóm cư dân này cũng mang vẻ chính thống ở một chừng mực nhất định nên có ảnh hưởng khá lớn trong tập thể cư dân thành phố từ những ngày đầu đến bây giờ. Họ vào Đà Lạt rất sớm. Năm 1938 đã hình thành ấp Hà Đông của nhóm người này. Năm 1954, Đà Lạt tiếp nhận một lượng lớn người Bắc di cư là trí thức, tư sản, tư thương định cư ở nội thành và bà con nông dân định cư trong những ấp mới. Năm 1975, một số cán bộ, chiến sĩ miền Bắc vào Đà Lạt công tác mang theo gia đình thân thuộc lập nghiệp lâu dài tại đây.
Với nhiều ưu thế, số người miến Bắc đã có sự đóng góp tích cực vào việc hình thành phong cách người Đà Lạt như hiện nay. Trong người dân Đà Lạt hôm nay có cái tế nhị, nhẹ nhàng, giọng nói giàu âm sắc, thái độ ân cần niềm nở, nhất là sự nhã nhặn, lịch thiệp, trọng lễ nghi... của người Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Người Trị -Thiên phần đông sống về nghề làm vườn, công chức, giáo viên và buôn bán nhỏ. Họ vào Đà Lạt không ồ ạt nhưng liên tục, đều đặn nên số người Trị - Thiên hiện nay rất đông. Họ sống phần lớn ở nội thành xen lẫn với các nhóm cư dân khác.
Người Trị - Thiên vào Đà Lạt mang theo phong tục tập quán chịu ảnh hưởng lễ nghi cung đình triều Nguyễn. Từ cách ăn mặc, bố trí nhà ở, trang trí nội thất đến ma chay, đình đám, hội hè, cưới hỏi... người Trị - Thiên còn giữ nhiều tập tục cổ truyền hơn hết các nhóm dân khác. Nhóm người này còn có tinh thần gia tộc và quê hương mãnh liệt. Ở đâu có người Trị - Thiên là ở đó có nhà thờ họ, tế tự, giỗ chạp theo chu kỳ như ở quê cũ. Họ gắn bó chặt chẽ với cố hương. Sinh hoạt tế tự các làng đồng hương, giỗ chạp các họ là một hình thức sinh hoạt của hội tương tế. Ở đó không chỉ thắt chặt tình tương ái giữa những người ở đây mà còn làm cầu nối gắn bó số người này với quê hương, dòng họ, mồ mả tổ tiên.
Người Trị - Thiên kỹ tính trong làm ăn cũng như trong sinh hoạt. Chiếc áo dài, chiếc nón bài thơ là cách điệu chính của người dân Trị - Thiên. Đến bây giờ, Huế vẫn là nơi sản xuất và cung cấp nón cho đại bộ phận thiếu nữ Đà Lạt. Đến chùa Linh Sơn trong một ngày lễ Phật giáo, người ta có cảm tưởng như đang ở giữa thành phố Huế. Điều đó nói lên ảnh hưởng văn hóa Trị - Thiên khá mạnh không những trong một nhóm cư dân mà cả trong nhiều mặt sinh hoạt của thành phố.
Người Nam - Ngãi - Bình - Phú vào Đà Lạt rất sớm, chủ yếu là người làm công khai thác tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố. Họ định cư trong những ấp dọc theo con đường sắt và đường bộ Phan Rang - Đà Lạt là những công trình họ đã góp công sức hình thành. Với truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, họ đã tự lực cánh sinh xây dựng cuộc sống mới mà không nhận được một ân huệ, chiếu cố nào của chính quyền.
Khác với người Huế, người Nam - Ngãi - Bình - Phú rất thực tế, không chú ý hình thức. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, phục sức còn đặt nặng vấn đề bền chắc, tiện lợi hơn thẩm mỹ, trưng bày. Xuất thân từ một vùng quê có truyền thống cách mạng và tinh thần thượng võ, nhóm người này giàu ý chí, nghị lực và cá tính rất rõ ràng.

Ngoài ba nhóm dân chiếm ưu thế về số lượng kể trên, phải nói đến nhóm dân Nghệ - Tĩnh và nhóm dân các tỉnh Nam Trung Bộ lên định cư ở Đà Lạt. Tuy số lượng không nhiều nhưng bản sắc của họ, nhất là nhóm dân Nghệ - Tĩnh, đã hiện diện trong phong cách người Đà Lạt hiện nay. Người Nghệ - Tĩnh rất mực cần cù, chịu khó. Có thể do điều kiện tự nhiên, kinh tế nơi quê cũ khắc nghiệt nên khi đến Đà Lạt họ ra sức lao động, không quản ngày đêm và nhanh chóng xác định được chỗ đứng trong cộng đồng cư dân thành phố. Về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, họ gần giống như nhóm dân Trị - Thiên, nhưng ý chí và nghị lực có nét tương đồng dân Nam - Ngãi - Bình - Phú, đặc biệt là truyền thống bất khuất, ý chí tự cường, nhiệt tình cách mạng. Dân các tỉnh Nam Trung Bộ lên Đà Lạt với lý do chính là kinh tế. Do vị trí cận kề, họ lên Đà Lạt sinh sống rất sớm và ngày càng nhiều. Họ như chiếc cầu nối gắn liền Đà Lạt với vùng biển phía dưới qua hoạt động mua bán, trao đổi của mình. Giọng nói người Đà Lạt có phần nào gần gũi với giọng nói các vùng duyên hải Nam Trung Bộ là ở bộ phận dân cư này.
Những nhóm dân trên trong quan hệ đã có sự giao lưu, điều chỉnh để hòa hợp và bổ sung cho nhau. Trước hết, họ loại trừ những cá tính địa phương không được phổ biến, các tiếng địa phương quá cục bộ. Sự chung đụng làm nảy sinh một giọng nói Đà Lạt pha trộn âm sắc của nhiều miền. Một sự thực không ai chối cãi được là những người Đà Lạt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba thường có hai giọng nói khác nhau khi ở nhà và khi ra ngoài xã hội. Sự đổi giọng của họ rất tự nhiên và không mấy khó nhọc. Trẻ em ở ấp Ánh Sáng, ấp Thái Phiên nói giọng Huế, trẻ em ở ấp Hà Đông, ấp Du Sinh ... nói giọng Bắc nhưng đến trường học, các em đều nói với nhau một giọng Đà Lạt khác với giọng nói của cha mẹ ở gia đình. Âm vực giọng nói Đà Lạt gần gũi giọng nói các tỉnh Nam Trung Bộ, Sài Gòn nhưng cũng rất khác với giọng nói cụ thể một nơi nào đó như Nha Trang, Phan Rang, Sài Gòn chẳng hạn.
Sự chung đụng đã làm xuất hiện một mẫu người Đà Lạt càng về sau càng rõ nét bản sắc. Người các địa phương khác nhau đến đây đều mang trong mình một bản sắc địa phương tương đối cố định, chỉ được điều chỉnh phần nào trong quá trình hội nhập. Ở Đà Lạt đã hình thành lớp người thứ hai, thứ ba là con cháu của các thế hệ đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp hay những người đến Đà Lạt khi tuổi còn rất bé. Ở lớp người này, ảnh hưởng quê hương gốc chỉ được truyền lại qua gia đình. Họ chịu sự tác động trực tiếp của thành phố trong việc hình thành nhân cách của mình.
Nói về phong cách cư dân thành phố hiện nay, không thể bỏ qua sự đóng góp của một nhóm dân có thời đã hiện diện ở Đà Lạt với vị trí đặc biệt: người Pháp.
Người Pháp xuất hiện ở thành phố Đà Lạt là những con người văn minh, lịch sự, khác hẳn với những lính viễn chinh trong các cuộc càn quét hay những ông chủ thực dân trong các đồn điền, hầm mỏ. Do đó họ có ảnh hưởng đáng kể đến phong cách người Đà Lạt.
Người Đà Lạt có đầu óc rộng mở, không bảo thủ, cố chấp. Họ tiếp nhận văn minh, văn hóa Pháp một cách có chọn lọc. Họ loại trừ những biểu hiện của lối sống tha hóa, lai căng, dẫm đạp lên truyền thống dân tộc, nhưng sẵn sàng tiếp nhận những giá trị văn minh nhân bản tiến bộ. Điều này giữa hai dân tộc Pháp - Việt có nhiều điểm tương đồng dễ chấp nhận lẫn nhau.
"Phú quý sinh lễ nghĩa". Phong cách con người là một biểu hiện mang tính lễ nghĩa, tùy thuộc mức độ "phú quí" mỗi cá nhân. Đất đai Đà Lạt màu mỡ, nhiều tiềm năng, nghề làm vườn, trồng rau hoa và trồng cây ăn quả đã tiến tới trình độ thâm canh. Với nhiều cây đặc sản quí hiếm có giá trị lớn, nghề trồng rau hoa và cây ăn quả đã đem lại cho người nông dân thu nhập cao trong khi công sức và vốn liếng đổ ra tương đối ít.
Một phần cư dân Đà Lạt còn sống bằng các nghề dịch vụ du lịch. Số lượng khách vãng lai đến Đà Lạt hàng năm ngày càng gia tăng đã mang lại cho Đà Lạt một nguồn thu nhập khá lớn.
Tất cả những yếu tố đó đã bảo đảm cho người dân Đà Lạt một cuộc sống đầy đủ, tương đối ổn định.
Mức sống cao khiến cư dân Đà Lạt có những yêu cầu cao hơn cho con cái. Đã có đủ điều kiện thuận lợi, người Đà Lạt không ngần ngại đầu tư giáo dục thế hệ trẻ. Trình độ học vấn của cư dân ngày càng cao, phong cách người dân ngày càng tao nhã, lịch sự hơn.
3.3 Yếu tố tư tưởng, tinh thần
Hệ thống giáo dục trên địa bàn Đà Lạt được xây dựng từ rất sớm và đến nay đã hoàn chỉnh từ mẫu giáo đến đại học. Các trường học ở Đà Lạt đã đào tạo cho thành phố một đội ngũ cán bộ, trí thức, chuyên viên hoạt động trong nhiều ngành nghề và nâng cao trình độ văn hóa, dân trí một cách đáng kể.
Đà Lạt với vẻ đẹp tự nhiên của mình là đề tài cho biết bao nguồn cảm hứng nghệ thuật. Các tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa phản ánh thiên nhiên và con người Đà Lạt đã giới thiệu với nhân dân cả nước và quốc tế là "xứ hoa anh đào", "xứ mù sương"...
Sống trong một khung cảnh quá quen thuộc, người dân Đà Lạt đôi khi không ý thức hết được vẻ đẹp của thành phố mình, những tác phẩm nghệ thuật đã lý giải và nhắc họ chú ý hơn vẻ đẹp của thành phố và của chính mình, khơi dậy trong họ những tình cảm tự hào và suy nghĩ về một cách sống cho tương xứng. Văn, thơ, nhạc, họa kết hợp với khung cảnh hữu tình đã đưa con người Đà Lạt đến chút ít mộng mơ.
Đà Lạt còn là nơi nhiều văn nghệ sĩ ước mơ đến thăm và đã một thời là nơi giao lưu, gặp gỡ của các văn nghệ sĩ miền Nam. Sáng tác nghệ thuật bắt nguồn từ những rung động mãnh liệt. Đà Lạt mở ra trước mắt người mới đến một kỳ quan nên thơ nên trong giây phút hội ngộ đầu tiên giữa Đà Lạt và nghệ sĩ đã nảy nở biết bao rung động. Đó là nguồn cảm hứng quí giá bất chợt sẽ được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật. Văn học nghệ thuật đem đến cho phong cách người Đà Lạt một nét độc đáo, một tâm hồn đa cảm, sâu sắc, một dáng dấp điềm đạm, trầm tư, thanh nhã hài hòa với không gian mênh mông tĩnh lặng của ngàn thông.
Tôn giáo và tín ngưỡng đã góp phần không nhỏ tạo nên phong cách người Đà Lạt. Cư dân Đà Lạt, ngoài một số người không theo một tôn giáo nào, khá đông là người có đạo. Ở Đà Lạt có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Tin Lành...
Đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành có tổ chức và hoạt động chặt chẽ. Đạo phật có tính cách đại chúng hơn, đã ăn sâu vào cuộc sống dân tộc một thời gian dài nên khó phân biệt tín đồ Phật giáo với những người không có đạo, chỉ thờ cúng tổ tiên theo quan niệm triết lý Á Đông. Đạo Cao Đài mới phát sinh và truyền bá vào đầu thế kỷ 20, du nhập vào Đà Lạt từ giữa thập niên 30.
Trong cộng đồng các cư dân Đà Lạt, tín đồ các tôn giáo vẫn sống hòa thuận, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau và cùng mưu cầu một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Một số cư dân Đà Lạt tuy có tín ngưỡng rõ ràng nhưng không cố chấp, bảo thủ nên giữa các tôn giáo vấn đề hôn phối, vấn đề qua lại trong tình làng nghĩa xóm những khi quan hôn hiếu hỉ là chuyện xảy ra rất bình thường.


4. PHONG CÁCH NGƯỜI ĐÀ LẠT QUA CÁC GIAI ĐOẠN
4.1 Giai đoạn trước năm 1945
Trước năm 1945, ở nội thành Đà Lạt hình thành hai khu vực cư dân: khu vực phía Bắc suối Cam Ly và khu vực phía Nam suối Cam Ly.
Đa số người Việt sống tập trung ở khu vực phía Bắc suối Cam Ly.
Bác sĩ J.J Vassal đã viết về những người Việt lên Đà Lạt vào năm 1905:
"Người Kinh chưa định cư trên những vùng cao của dãy Trường Sơn. Ở Đà Lạt, có một nhóm 60 đến 80 người Kinh, hầu hết là những người đi buôn chuyến. Họ sống trong những điều kiện rất khổ cực, mặc ít quần áo như ở vùng đồng bằng, bị lạnh, thiếu dinh dưỡng và không có gia đình. Từ Phan Rang hay Phan Thiết lên cao nguyên với những gánh hàng hóa, họ đi ngang qua những làng mạc đầy nước độc, những vùng rất nguy hiểm và mắc phải bệnh sốt rét, không khí lạnh càng khiến cho bệnh sốt rét trầm trọng thêm”.
Ngoài những người đi buôn, những người Kinh đầu tiên định cư ở Đà Lạt là những tù nhân, những người giúp việc cho các phái đoàn nghiên cứu... Về sau, những người lao động cùng khổ ở miền Bắc, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế lên Đà Lạt để buôn bán, xây dựng đường sá, nhà ở...
Năm 1932, đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm bắt đầu hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho người Ninh Thuận lên Đà Lạt buôn bán và lập nghiệp.
Các công sở ngày càng phát triển, công chức từ nhiều vùng trong nước được bổ nhiệm đến Đà Lạt.
*
Người Đà Lạt là người tứ xứ, đa số là những người nghèo khổ, tha phương cầu thực, xuất thân từ hai bàn tay trắng, do đó những bậc tiền bối rất cần cù lao động, sống giản dị, tiết kiệm, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Đến Đà Lạt trong cùng cảnh ngộ, với tình đồng hương, họ coi trọng tình làng nghĩa xóm, tận tình giúp đỡ nhau trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
Họ đã trải qua những năm tháng trong sự bần cùng, mù chữ, nên rất thiết tha với việc học hành, mong muốn con cái được học hành và có tinh thần hiếu học, "tôn sư trọng đạo".
Trời Đà Lạt rất lạnh và đầy sương mù, sống trong vùng đèo heo hút gió, trong những căn nhà gỗ cách xa nhau, bên bếp lửa, xa quê hương, những người Đà Lạt vào những năm đầu thế kỷ 20 sống trầm mặc, ít cởi mở.
*
Trước năm 1945, phần lớn người Pháp sống trong những biệt thự ở phía Nam suối Cam Ly và Hồ Lớn (Grand Lac).
Vào năm 1944, Đà Lạt có 1.130 người Pháp, 1.118 học sinh Pháp.
Người Pháp sinh sống ở Đà Lạt có quê quán từ khắp mọi miền của nước Pháp: Paris, từ Normandie đến Corse, từ Alsace, Lorraine đến Gascogne... Họ mang đến Đà Lạt những giống hoa từ quê hương họ, xây dựng những biệt thự giống như những biệt thự ở cố hương. Nhà thờ cũng mang dáng dấp của một nhà thờ ở Pháp với con gà trống trên nóc tháp chuông cao vút.
Đến Đà Lạt với nhiều tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau, họ vẫn giữ những nếp sống, phong cách văn minh, lịch thiệp của người Pháp. Một số ít mang nặng đầu óc thực dân, phân biệt đối xử với người Kinh và người Thượng trong các công trình xây dựng đường sá, hồ nước nhưng đa số vẫn được cảm tình của người Việt, đặc biệt là các giáo sư.
Những người Việt học tập, làm việc trong các trường học, công sở, tham gia xây dựng các biệt thự, công trình công cộng có dịp tiếp xúc với người Pháp, đã học hỏi được một số kinh nghiệm, nâng cao kiến thức chuyên môn, tay nghề, đồng thời làm quen dần với tác phong sinh hoạt, làm việc, cách ăn mặc, xã giao của phương Tây trong gia đình và những nơi công cộng (rạp hát, hiệu ăn, hiệu buôn...).
4.2 Giai đoạn 1945 - 1954
Ngày 23.8.1945, nhân dân Đà Lạt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng vài tháng sau, vào đầu năm 1946, người Pháp trở lại Đà Lạt. Vào tháng 3.1948, Đà Lạt có 1.897 người Âu, 15.000 người Việt, 807 người Hoa, 827 người Thượng.
Vai trò của người Pháp dần dần bớt quan trọng trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, nhưng mãi đến những năm 60, một số trường trung học và tiểu học vẫn tiếp tục dạy học sinh theo chương trình Pháp. Các trường này ngày càng mở rộng, số lượng học sinh Việt ở Đà Lạt, từ Nam Bộ, miền Trung lên Đà Lạt học dần dần chiếm tuyệt đại đa số.
Từ năm 1952, trường trung học Việt Nam được thành lập và bắt đầu dạy theo chương trình Việt. Về sau, nhiều trường trung học công lập và tư thục ra đời. Trong một thời gian dài, tiếng Pháp vẫn là sinh ngữ chính trong các trường. Với khuynh hướng giáo dục này, văn hóa Pháp đã ảnh hưởng không ít đến phong cách một thế hệ người Đà Lạt. Phong cách này không phải chỉ thể hiện ở những người trí thức mà còn lan rộng ra các tầng lớp khác.
Năm 1950, Đà Lạt trở thành thủ phủ của Hoàng triều cương thổ.
Trước năm 1954, nhập cư vào Đà Lạt rất khó, đất rộng người thưa, công việc làm ăn dễ dàng nên người Đà Lạt sống hiền hòa, thuần hậu, trẻ em không xả rác ngoài đường phố, trong rạp hát, không chặt phá cây cối...

4.3 Giai đoạn 1954 - 1975
Năm 1954, nhiều nhóm người Bắc di cư đến Đà Lạt. Nếp sống, tiếng nói, phong cách của người miền Bắc một lần nữa có dịp pha trộn với nếp sống, tiếng nói, phong cách của người ở mọi miền đất nước đã an cư lập nghiệp từ lâu trên miền đất lạnh, tạo cho phong cách người Đà Lạt có những nét đặc biệt và tiếng nói mang âm sắc pha trộn âm sắc của ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trong bài phóng sự Đà Lạt với du khách, Khánh Giang đã nhận xét về cách ăn mặc của người Đà Lạt vào cuối những năm 50:
"Có một điều khi đặt chân đến Đà Lạt là bạn để ý ngay cách phục sức của người dân Đà thành. Cái khí hậu lạnh tạo cho họ một cách phục sức đường hoàng, trang nhã. Tôi không muốn nói là họ đã "tìm kiếm" sự trang nhã ấy nhưng phần nhiều chỉ mặc để chống lại cái lạnh buốt cóng về đêm hay của những ngày gió rét khi còn sương mờ buổi sáng. Từ những người phu xe, buôn gánh bán bưng, những người lao động đến các cậu học sinh, các công chức, tất cả đều phục sức rất đặc biệt theo từng mức sống. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một chị bán đậu hủ với gánh hàng nhỏ bé nhưng vẫn tươm tất trong chiếc áo dài trắng thanh cảnh, khoác ngoài chiếc áo len đến bộ "com-lê" mà bạn rất "sợ" khi phải mặc ở Sài Gòn và đã dấu kỹ trong đáy tủ, sẽ rất hợp cho bạn khi ở Đà Lạt. Cái nhu cầu chưng diện đã thành thói quen trong giới trung lưu và thượng lưu. Ít khi bạn gặp một người mặc áo chemise trần hở cổ, nếu không thắt một chiếc cà vạt thì cũng choàng một "phu la" nỉ, ngoài khoác áo "vét tông". Đặc biệt nhất là lối trang phục đầy màu sắc tươi trẻ của giới sinh viên và học sinh. Nếu có dịp ghé vào một trường trung học Pháp vào mùa lạnh, bạn sẽ có cảm tưởng mình hiện đang ở một trường trung học bên Âu Mỹ. Những chiếc áo "Canadienne" bằng da, áo "pullover" đủ màu đủ kiểu, những chiếc "vét tông" nỉ ca rô tuy những mốt nhập cảng từ phương Tây nhưng nhờ áp dụng nhằm nơi nhằm lúc nên không có vẻ lố lăng mà lại tô điểm thêm màu sắc trẻ trung ưa nhìn.
...Về nữ sinh, cái áo muôn thuở của các cô là cái áo len màu đen. Vào những buổi tan học, các cô đua nhau rẽ khắp ngả đường, phất phơ tà áo lụa trắng, nổi bật chiếc áo len đen với chiếc nón bài thơ xinh xinh xứ Huế...".
Khánh Giang cũng viết về "tâm hồn" Đà Lạt
"...Bạn có sống qua những ngày lặng lẽ u buồn ở Đà Lạt, có ngắm qua những buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồi, có ngồi thu mình nhìn qua những giọt mưa nặng trĩu rơi trên cửa kính, có dịp trầm ngâm cô độc say mê theo khói thuốc và hương vị tách cà phê phin đen ngòm, có lủi thủi dưới làn mưa bụi về đêm, có nện gót giày đều đều trên đường phố hoang vắng, có sống qua những giờ phút trống rỗng của cuộc đời và lòng có mang ít nhiều kỷ niệm đau thương, bạn mới cảm được cái "tâm hồn" sâu xa và thấm thía của Đà thành.
Và lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt được nữa"[2,34]
Đà Lạt là "tiếng vọng" của Sài Gòn, giao lưu kinh tế xã hội giữa hai thành phố dễ dàng. Sinh viên Sài Gòn học ở Viện đại học Đà Lạt ngày càng đông, những phong trào, lối sống mới ở Sài Gòn đều có dịp len lên Đà Lạt, nhưng người Đà Lạt tiếp thu có chọn lọc, biết điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Một số "mốt" dị hợm như cạo trọc đầu theo tài tử điện ảnh Yul Brynner, mặc áo dài hở cổ hoặc váy ngắn hay quần ống loe lúc đầu được vài nhóm người hưởng ứng nhưng rồi cũng lạc lõng, trơ trẽn và sớm lụi tàn.
Vì trời lạnh vào mùa khô, ẩm ướt vào mùa mưa, người Đà Lạt ít thích những sinh hoạt ngoài trời, trừ môn bóng đá. Sau giờ lao động, họ thường trở về nhà, chăm sóc mảnh đất nhỏ, trồng hoa, và sum họp gia đình, giáo dục con cái, đọc sách, nghe nhạc, đan len... Không khí ấm áp của gia đình thích hợp với bản chất trầm tĩnh của người Đà Lạt hơn khu phố náo nhiệt. Nơi gặp gỡ giữa các bạn hữu thường ở gia đình hay trong những quán cà phê bình dân nổi tiếng như Tùng (khu Hòa Bình), Văn (đường Phan Bội Châu), Kinh Đô (đường Hàm Nghi)...
Từ năm 1965, quân đội Mỹ vào Việt Nam, nhưng ở Đà Lạt không có bóng dáng lính Mỹ (GI), chỉ có một số cố vấn Mỹ. Nếp sống Mỹ không có ảnh hưởng gì đáng kể đến nếp sống của người Đà Lạt.
Trước sự tàn khốc của chiến tranh, do ảnh hưởng của phim ảnh và một số gia đình ít quan tâm đến giáo dục, một bộ phận rất nhỏ người Đà Lạt sống buông thả nghiện ngập, mưu mô... nhưng đa số người Đà Lạt vẫn sống bình dị, thanh thản. Thiếu nữ Đà Lạt không chạy theo những "mốt" mới, vẫn ăn mặc kín đáo, duyên đáng với chiếc áo dài thướt tha và chiếc dù nhiều màu sắc.
4.4 Giai đoạn từ năm 1975 đến nay
Trong những năm đầu sau ngày miền Nam được giải phóng, thành phố Đà Lạt gặp nhiều khó khăn về lương thực, vật tư, nhiên liệu. Mặc dù nếp sống mới được chú trọng nhưng xã hội bị biến động sau chiến tranh, mức sống thấp, chế độ quan liêu bao cấp, phân bố dân cư bị xáo trộn... đã làm cho Đà Lạt bị "nông thôn hóa", phong cách người Đà Lạt bị sa sút nghiêm trọng.
Từ năm 1986, Đà Lạt chuyển dần sang kinh tế thị trường, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Trong các cửa hàng đã vắng bóng những "cô dâu hiền trăm họ". Tại các bến xe, không còn cảnh xếp hàng từ 3 -4 giờ sáng, xô đẩy, chen lấn để được một vé xe. Những bi kịch trong quá khứ của một vùng tạm chiếm được nhận định đúng hơn và cảm thông. Các em học sinh tung tăng đến trường với những chiếc áo len màu vàng, màu xanh của bộ đồng phục. Vào giờ tan trường, những tà áo dài trắng tung bay theo gió. Những lớp tin học, ngoại ngữ thu hút thanh niên hiếu học. Những võ đường làm sống lại tinh thần thượng võ của cha ông. Tất cả những hình ảnh tốt đẹp này đánh dấu bước đầu chuyển mình của thành phố đang trên đà vươn lên hòa nhập vào nhịp sống chung của đất nước.

5. ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGƯỜI ĐÀ LẠT
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước sâu sắc, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần đoàn kết, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tính cần cù lao động, thông minh sáng tạo... Ngoài ra, chịu ảnh hưởng tư tưởng phương Đông, người Việt Nam thiên về lối sống nội tâm, đề cao những giá trị tinh thần nhân bản cao quí, có cuộc sống hài hòa với môi trường, khung cảnh thiên nhiên.
Những phẩm chất quí báu đó đã hun đúc nên truyền thống Việt Nam. Mỗi người Việt Nam đều mang trong dòng máu mình truyền thống chung của cả dân tộc. Dù ở bất cứ miền đất nào, các phẩm chất ấy càng được mài dũa, qua thử thách càng trong sáng, bền vững.
Trải qua các biến động của các nhóm dân cư qua quá trình hình thành, phát triển và chịu ảnh hưởng của các điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội..., có thể khẳng định những nét đặc trưng cơ bản sau đây biểu hiện rõ nét từ dáng vẻ bên ngoài đến chiều sâu tâm hồn của người dân Đà Lạt. Đó là vẻ đẹp hiền hòa, thanh lịch, mến khách đã được nhiều người cảm nhận và đồng tình.
5.1 Hiền hòa
Sống trong một khung cảnh thiên nhiên quanh năm tĩnh lặng, khí hậu mát lạnh, những biến động lớn về cuộc chiến hầu như chỉ là tiếng vọng, không ảnh hưởng trực tiếp và làm xáo động đời sống vốn rất êm đềm của một vùng cao nguyên hẻo lánh, người Đà Lạt hiền lành, thật thà, sớm thích nghi để hòa nhập vào môi trường sống. Từ những ngôi nhà với vườn rau xanh ngát đến những con đường quanh co ẩn khuất sau đồi núi, những ngôi biệt thự xinh xắn nằm dấu mình dưới những rặng thông, vẻ đẹp tự nhiên của hồ Xuân Hương nằm ngay giữa trung tâm thành phố... tất cả đều thể hiện nét hài hòa giữa con người chân chất với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Nếu thiên nhiên Đà Lạt đã "cho người này niềm vui, người kia sự mát lành" (Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem) thì thiên nhiên ấy đã đóng góp tạo nên nét đẹp hiền hòa của con người.
5.2 Thanh lịch
Người Đà Lạt vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa và đời sống tinh thần phương Đông lại sớm tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nền văn minh hiện đại phương Tây. Việc xử lý hài hòa các yếu tố văn hóa truyền thống và văn minh hiện đại đã hiện diện trong phong cách của người dân Đà Lạt. Từ đó phát triển những thú tiêu khiển tinh thần thanh cao như thú trồng hoa, chơi cây cảnh, chơi lan... rất phong phú và đa dạng.
Trong những năm 60, Đà Lạt từng là một trung tâm giao lưu nghệ thuật quan trọng. Nó đã từng chứng kiến cuộc sống ẩn dật, vui thú điền viên của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ về đây tìm sự yên ổn của tâm hồn và cảm hứng sáng tạo.
Bến xe và nơi họp chợ là hai điểm nóng phản ánh tập trung và cao độ nhất phong cách sống của cư dân một địa phương. Tuy còn nhiều điều phải bàn thêm về đặc điểm và cách thức sinh hoạt, phục vụ của hai điểm nóng đó, nhưng ai cũng thừa nhận rằng bến xe Đà Lạt yên tĩnh, trật tự, tiểu thương chợ Đà Lạt luôn luôn có thái độ nhã nhặn, vui vẻ với khách hàng.
5.3 Mến khách
Đà Lạt là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, các nghề dịch vụ lại có nguồn sống từ khách, nên mến khách không còn là một tình cảm mà trở thành lẽ sống. Nét đẹp này rất dễ thấy ở các chị bán hàng chào mời niềm nở, nhẹ nhàng, tôn trọng khách, không có ngôn ngữ thách đố. Những người phục vụ như xe thồ, khuân vác, nhân viên nhà trọ... không có thái độ bắt chẹt, thóa mạ khách hàng. Những người dân Đà Lạt có cái nhìn thiện cảm, không xoi mói, ganh tị và sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn khi có người hỏi đến.
Rời quê hương bản quán lên sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất sơn nguyên hoang vu, đồi núi điệp trùng cách đây hơn nửa thế kỷ, những cư dân Đà Lạt đầu tiên hơn ai hết mong muốn tiếp nhận thêm nhiều đồng bào của mình từ mọi miền đất nước đến vùng đất lành này sống quần cư, tạo ấp, lập làng ngày càng đông vui, xóa dần nỗi buồn xa xứ, phát huy sức mạnh cộng đồng để khai phá đất hoang, làm chủ thiên nhiên. Đây là tiền đề và cơ sở quan trọng để tạo nên tình đoàn kết giữa những nhóm cư dân từ nhiều miền khác nhau về đây cùng sinh sống, giải thích vì sao người Đà Lạt tuy có nhiều gốc gác khác nhau, phong tục tập quán và tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau... mà vẫn không hề có định kiến, phân biệt đối xử, vẫn sống đoàn kết, gắn bó với nhau trong tình quê hương, nghĩa đồng bào...
*
Nhiều tác động của điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế xã hội trong thời gia qua đã dẫn đến tình trạng một số người dân thiếu ý thức tôn trọng luật pháp, bảo vệ của công, không giữ gìn thành phố sạch đẹp, chặt phá rừng bừa bãi. Hiện nay một số du khách đã biểu lộ thái độ không bằng lòng về hiện tượng một số người làm nghề buôn bán, chụp ảnh, cho thuê ngựa thiếu nhã nhặn, thành thực. Nhân dân Đà Lạt cũng bất bình và lo ngại. Đó là cái xấu mới nảy sinh gây ít nhiều ngộ nhận đáng tiếc về phong cách người thành phố.
LỜI KẾT
Phong cách người Đà Lạt là phong cách người Việt Nam nhưng do đặc điểm của thiên nhiên và hoàn cảnh xã hội, người Đà Lạt có những nét đặc trưng. Cùng với những bước thăng trầm của thành phố, phong cách người Đà Lạt cũng biến chuyển theo. Trong thời kỳ mở cửa, phương tiện truyền thông và giải trí hiện đại hơn, cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài nhiều hơn, nếu nhà trường và gia đình không quan tâm hơn nữa đến giáo dục thẩm mỹ, phong cách của thanh thiếu nhi, không nhắc nhở thường xuyên về truyền thống tốt đẹp của dân tộc hay về những năm tháng gian khổ đã qua thì phong cách của người Đà Lạt sẽ bị xói mòn. Đây là nỗi lo chung của những người đã gắn bó đời mình với Đà Lạt.
NGUYỄN VĂN UÔNG
NGUYỄN HỮU TRANH
NGUYỄN VĂN CAM

Nguồn: Đà Lạt - Thành phố cao nguyên

VisitDalat's Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một số lưu ý khi bạn nhận xét bài trong VisitDalat'sBlog
Không nhận xét những lời lẽ thiếu văn hóa, ảnh hướng đến thuần phong mỹ tục,Ngôn ngữ chuẩn mực ,Không đả khích chê bai,Chính trị, tôn giáo ,Khuyến khích các bài viết hay mang tính xây dựng cao
Rất mong sự ủng hộ và đóng góp của bạn cho VisitDalat's Blog

Bài Đã Đăng

Bài đăng Phổ biến