Chọn ngôn ngữ hiển thị

29/9/10

Có một Tây Nguyên… giữa lòng Đà Lạt

Bảo tàng Động vật Tây Nguyên – nơi có đến hàng ngàn mẫu động vật được trưng bày để du khách, học sinh, sinh viên có điều kiện tham quan, nghiên cứu về các loài động vật hoang dã của núi rừng Tây Nguyên huyền thoại…


Nằm cách trung tâm thành phố hoa chỉ khoảng 10km về hướng bắc, Bảo tàng động vật Tây Nguyên (thuộc Viện Sinh học Tây Nguyên - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tọa lạc trên quả đồi Tùng Lâm và ẩn mình dưới tán rừng thông quanh năm vi vút gió ngàn. Bảo tàng được xây dựng từ năm 1990 thế kỷ trước với mục đích để sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu cho nhân dân địa phương và du khách thập phương hiểu thêm về hệ động vật hoang dã đầy phong phú và hấp dẫn của núi rừng Tây Nguyên đầy ắp huyền thoại. Ngoài ra, trên cơ sở những mẫu động vật có được sẽ giúp cho học sinh, sinh viên cũng như các nhà khoa học tham quan, nghiên cứu; đây còn là nơi lưu giữ nguồn gen các loài động vật ở khu vực Tây Nguyên, trong đó có những loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Ông Hà Thanh Tùng, nghiên cứu viên của Viện Sinh học Tây Nguyên cho biết: Hiện Bảo tàng đang trưng bày khoảng 1.200 mẫu động vật của các bậc taxon (gồm 386 mẫu thú của 58 loài, 245 mẫu chim của 95 loài, 43 mẫu lưỡng thê bò sát của 32 loài, 36 mẫu thú nuôi nhà của 22 loài và hơn 300 mẫu của các loài côn trùng thuộc 10 bộ…). Cũng theo ông Tùng, trong 58 loài thú đã được định tên và trưng bày có 38 loài thuộc diện quý hiếm đã được công bố trong sách đỏ Việt Nam.


Cũng tại Bảo tàng động vật Tây Nguyên còn trưng bày 195 mẫu xương của 45 loài động vật và hơn 200 loài nấm lớn sinh trưởng ở khu vực những cánh rừng thông Đà Lạt. Đặc biệt, một số mẫu thú quý hiếm của Việt Nam hiện nay gần như duy nhất chỉ còn có ở bảo tàng này như Cầy Giông sọc, Sóc bay sao, Hoẵng Bạch tạng, Sóc đỏ quế, Báo lửa xám… Tất cả các mẫu động vật đang trưng bày tại đây đều được sắp xếp theo từng loài, lớp, bộ, họ đi từ động vật phát triển cấp thấp đến cấp cao, từ loài lưỡng thê như trăn rắn; động vật nuôi như gà, vịt, bò; lớp côn trùng; lớp chim; lớp thú rồi đến loài vật có não bộ phát triển ở bậc cao gần với con người như khỉ, linh trưởng… nên người xem rất dễ hình dung theo sư tiến triển của từng loài. Bên cạnh đó, một danh sách “đỏ” cũng được bảo tàng giới thiệu từ các loài động vật nguy cấp đang bị đe dọa tuyệt chủng như Gấu ngựa, Gấu chó, Hổ, Báo hoa mai, Mang lớn, Cầy vằn bắc, Vượn má hung, Sói lửa…; các loài sẽ nguy cấp – có thể bị bị đe dọa tuyệt chủng như: Vọc vá chân đen, Lửng lợn, Sơn dương, Cầy mực, Mèo gấm, Báo gấm, Beo lửa, Rái cá vuốt, Kỳ đà nước…


Trong 10 bộ côn trùng được trưng bày tại bảo tàng này còn có ý nghĩa rất thiết thực với đời sống con người. Ở bộ cánh cứng có những loài thuộc nhóm côn trùng thẩm mỹ được các nhà sưu tập côn trùng cánh cứng rất quan tâm như: Kiến gương 5 sừng, Bọ sừng tê giác, Bọ sừng hươu, Gọng kiềm… có giá trị rất cao. Ngoài ra, các loài bướm thuộc tổng họ bướm phượng với những màu sắc sặc sở có giá trị thẩm mỹ cao có thể dùng để giới thiệu với du khách như một sản phẩm du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, bảo tàng còn trưng bày các loài côn trùng gây hại cho các ngành nông lâm nghiệp của khu vực Tây nguyên như: Bọ xít, Xoắn tóc, Vòi voi và các loài bướm của sâu hại… Ấn tượng hơn, tại Bảo tàng còn có trưng bày mẫu nhồi voi rất lớn được làm từ tháng 3/2008 nhưng cho đến tháng 11/2008 mới hoàn thành đưa ra trưng bày. Đây là mẫu duy nhất ở Việt Nam (vì kích thước lớn, xác voi cao gần 3m, nặng 3,5 tấn nên việc duy chuyển để xử lý làm mẫu rất khó). Ngay bên cạnh mẫu voi nhồi còn có trưng bày mẫu bộ xương voi khá lớn, đây cũng là mẫu xương voi thứ 2 được trưng bày của cả nước (sau mẫu của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Theo một số nhà nghiên cứu nhận xét, Bảo tàng động vật Tây Nguyên đã phản ánh một cách khá đầy đủ về tính đa dạng của các loài động vật ở Tây Nguyên. Trong lúc môi trường thiên nhiên đang bị tác động xấu, các loài động vật đang giảm dần, trong đó có các loài thú quý hiếm thì việc tồn tại Bảo tàng động vật Tây Nguyên không chỉ là nơi tham quan học tập và nghiên cứu khoa học mà còn mang đến thông điệp con người hãy bảo vệ và sống thân thiện với mơi trường.

Thụy Trang/Báo Lâm Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một số lưu ý khi bạn nhận xét bài trong VisitDalat'sBlog
Không nhận xét những lời lẽ thiếu văn hóa, ảnh hướng đến thuần phong mỹ tục,Ngôn ngữ chuẩn mực ,Không đả khích chê bai,Chính trị, tôn giáo ,Khuyến khích các bài viết hay mang tính xây dựng cao
Rất mong sự ủng hộ và đóng góp của bạn cho VisitDalat's Blog

Bài Đã Đăng

Bài đăng Phổ biến