Visit Dalat's Blog - Nói đến cảnh quan đô thị Đà Lạt, không thể khôngnói đến cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật bố trí công trình kiến trúc cũng như kiểu dáng đa dạng của kiến trúc. Đặc điểm của các công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố Đà Lạt là biết dựa vào môi trường thiên nhiên hiện hữu, nhẹ nhàng nép mình vào khung cảnh chung, tạo lập một công trình có dáng dấp như là một sản phẩm của tự nhiên, một bông hoa kiến trúc nở mọc lên từ đất. Tất cả các kiến trúc đẹp ở Đà Lạt đều chọn lựa bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với mặt đất, địa hình của địa điểm và khu vực chung quanh.
Về phong cách và ngôn ngữ kiến trúc, chúng ta nhận thấy các công trình kiến trúc thời thuộc Pháp đều có cơ sở thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và với điều kiện sinh hoạt của cư dân. Vì vậy kiến trúc Đà Lạt mang một dáng vẻ rất riêng. Qua thời gian dài xây dựng thành phố, phong cách kiến trúc đã có nhiều thay đổi, từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm, hành lang bao quanh mặt bằng hình chữ nhật; phong cách tân cổ điển với những trang trí phong phú sáng tạo với những kiểu lợp mái bản thạch và cửa sổ tròn trên mái; phong cách kiến trúc địa phương Pháp thể hiện ở các kiểu biệt thự; phong cách kiến trúc hiện đại với những đường nét ngang bằng xổ thẳng.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là Đà Lạt là nước Pháp. Nếu cho rằng Đà Lạt mang dấu ấn của các nhà kiến trúc Pháp thì ngược lại, các nhà kiến trúc này, khi sáng tác thiết kế cho các công trình ở Đà Lạt, cũng đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên Đà Lạt, nhất là các điều kiện về khí hậu thời tiết, cảnh quan môi trường. Hiện tượng giao lưu này là điều đương nhiên.
Những kiến trúc ở Đà Lạt đã được sáng tạo từ nguồn cảm hứng địa phương để tạo dựng thành kiểu kiến trúc riêng độc đáo đầy bản sắc.
Có thể tạm phân biệt kiến trúc Đà Lạt theo những phong cách sau:
+ Phong cách tân cổ điển.
+ Phong cách hiện đại chịu ảnh hưởng trào lưu hiện đại châu Âu 1920-1930.
+ Phong cách kiến trúc địa phương Pháp.
+ Phong cách kiến trúc kết hợp địa phương đậm đà màu sắc dân tộc; phong cách kiến trúc khai thác đặc điểm địa phương, dân tộc bản địa, kết hợp kỹ thuật xây dựng mới để tạo thành kiểu kiến trúc mới đầy sáng tạo.
+ Phong cách kiến trúc cách tân tìm tòi thử nghiệm tính dân tộc cho kiến trúc hiện đại.
+ Ngoài ra còn có khuynh hướng sao chép pha trộn các chi tiết của các trào lưu khác nhau không có trật tự nhất định.
CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Công sở
Đại bộ phận các công sở ở thành phố Đà Lạt đều là những biệt thự lớn. Các công sở hành chính thường có hình thức kiến trúc cân đối nghiêm trang, mặt bằng đơn giản không phức tạp, mặt đứng được xử lý chi tiết cầu kỳ.
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt nằm ở số 14, đường Yersin, phường 10 Đà Lạt, giáp ranh với trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và cách nhà ga xe lửa không xa. Công trình được xây dựng từ năm 1939 và hoàn thành năm 1943.
Ngày 5-7-1894, Sở Địa dư Đông Dương được thành lập, trụ sở đặt tại Hà Nội. Đến năm 1940, Sở được dời vào Gia Định. Cuối năm 1944, Sở dời lên Đà Lạt với nhiệm vụ sản xuất và phát hành các loại bản đồ phục vụ cho cả 3 nước Đông Dương. Ngày 1-4-1955, Nha Địa dư quốc gia được thành lập.
Đây là một công trình đồ sộ, mang sắc thái của một công trình hành chính có hình thức thể hiện theo kiểu kiến trúc hỗn hợp. Diện tích toàn bộ khuôn viên của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt rộng 30.670m2, nằm trên một sườn đồi dốc thoải.
Mặt bằng công trình chịu ảnh hưởng của kiến trúc cổ điển với 2 trục đối xứng ngang và dọc, tổ hợp theo kiểu hành lang giữa. Có một tầng hầm dùng làm kho bản đồ. Tầng trệt ở đây có hai dãy phòng hành chính ở hai bên hành lang, trung tâm là tiền sảnh và phòng tiếp khách, hai khối cầu thang và vệ sinh bố trí đối xứng hai đầu. Ở tầng hai là các phòng kỹ thuật chiếm một không gian rộng lớn. Ngoài ra, còn có tầng áp mái được dùng làm kho phụ.
Phân vị ngang được thể hiện rõ nét trên mặt đứng công trình. Dưới tầng trệt có những cửa sổ vòm kích thước lớn, những khung cửa sổ vuông vức đều nhau được bố trí ở tầng hai. Nhìn chung, dãy nhà làm việc chính án ngữ mặt tiền có hình khối gần như vuông vức. Toàn bộ tường xây bằng gạch đá dày gần 1m, mái lợp ngói với độ dốc khá lớn theo kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp) tạo cho công trình đầy vẻ uy nghi, quyền lực, phù hợp với tính chất của một công trình hành chính quốc gia.
Trong nội thất xuất hiện hệ vòm cuốn tại các bước nhịp (theo dạng cuốn trong kiến trúc Roman) để phân chia không gian, làm giảm bớt không khí nặng nề của các phòng kỹ thuật, đồng thời tạo cảm giác hành lang giao thông dường như ngắn lại.
Kết nối giữa sảnh chính của công trình với sân là những bậc thang đặt trên hệ kết cấu vòm bằng đá, trông thật duyên dáng và ấn tượng. Vòm cong của cầu đá kết hợp với đường cong nhẹ nhàng của con đường trải nhựa tạo ra một nét duyên riêng có của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt.
Đây cũng là điểm đặc sắc của công trình, làm cho nó khác với những công trình hành chính thông thường.
Bên cạnh đó, giống như công trình nhà ga xe lửa, hình dáng chung của khối nhà này được phỏng theo dáng dấp của một dãy núi cao, phần mái ở hai đầu hồi nhô cao hơn lên, tựa như dáng núi Lang Biang.
Chi cục thuế
Chi cục thuế Lâm Đồng là một trong những công trình có mặt sớm ở Đà Lạt, nằm ở góc đường Hà Huy Tập – Trần Phú, xây dựng năm 1915, do nhà thầu Julien thực hiện. Tầng hầm được xây kiên cố để làm kho an toàn chứa tiền bạc. Kiến trúc điển hình kiểu vùng Normandie: khung sườn gỗ sơn màu sẫm, xây tường lấp bằng gạch quét vôi màu nhạt, mái lợp ngói, có mái nhỏ bẻ góc,...
Trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng
Trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng nguyên là Dinh Thống đốc Nam Kỳ, là một trong những công trình đầu tiên sớm có mặt ở Đà Lạt, về sau này chuyển thành Toà Hành chánh tỉnh Tuyên Đức.
Đây là khu vực có vị trí cao và đẹp nhất trục đường trung tâm chính của thành phố Đà Lạt.
Từ đây, tầm nhìn bao quát cả toàn vùng, về phía bắc trải dài đến núi Lang Biang, về phía Nam là cảnh quan rừng thông bạt ngàn. Kiến trúc công trình theo dáng dấp kiểu kiến trúc thuộc địa với tầng trệt xây toàn bằng đá gồm các phòng phụ thuộc, tầng chính ở bên trên có cầu thang ngoài trời và hành lang rộng rãi với cột bao quanh hướng mở tầm nhìn toàn cảnh về núi Lang Biang.
Nhà ga xe lửa Đà Lạt
Ga hỏa xa Đà Lạt do kiến trúc sư Revéron thiết kế với khái niệm sáng tác theo hình thức kiến trúc Anglo-normand mới, chịu nhiều ảnh hưởng của kiểu kiến trúc hiện đại. Kiến trúc sư Moncet đã hoàn chỉnh thêm một số chi tiết của hồ sơ thiết kế này và giám sát công trình. Kỹ sư Porte trực tiếp trông coi xây cất công trình kỹ thuật đường sắt. Đơn vị thi công là nhà thầu Võ Đình Dung. Công trình khởi công năm 1935 và hoàn thành năm 1938. Đây là lần đầu tiên người ta đưa yếu tố mỹ thuật kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây dựng một công trình có tính kỹ thuật. Từ nhà ga, tuyến đường sắt độc đáo vượt địa hình có bộ phận chuyên dụng móc răng cưa nối liền Đà Lạt với mọi miền đất nước qua ga Tháp Chàm đã được khai thông.
Toàn bộ khu vực ga nằm trên một khu vực bằng phẳng và rộng rãi. Nhà ga có chiều dài 66m, chiều rộng 11,5m, chiều cao đại sảnh 11m. Mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc gần như đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền: một phòng lớn ở giữa (37m x 10m) và các phòng phụ nhỏ nối dài sang hai bên. Bố cục đăng đối thể hiện giữa các bộ phận kiến trúc: ở mái ngói đỏ cao vút, những phần mái gấp, mái bẻ góc và ở những ô cửa sổ cùng với bức tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa. Sự đồ sộ của công trình thể hiện rõ trên mặt cắt: hệ vì kèo đỡ mái bằng bê tông cốt thép có chiều cao hơn 6m, bằng với chiều cao của không gian sử dụng chính.
Ấn tượng nhất vẫn là toàn bộ khối mái công trình. Đập ngay vào mắt người thưởng thức là 3 chóp mái tiếp nối liền nhau chạy suốt từ đỉnh xuống bờ mái đón ở lối vào sảnh chính. Phía dưới của chóp mái có gắn nổi dòng chữ DALAT khá lớn. Vuông góc với 3 mái theo chiều ngang của công trình là 2 mái dọc chạy về 2 phía và bẻ góc ở phần rìa mái. Tương ứng với 3 chóp mái là 3 cửa sổ với nhiều ô kính nhỏ, tạo nên sự khoáng đạt cho mặt tiền và cho cả tòa nhà. Các ô cửa sổ bằng kính màu nằm ngay ngắn trong hệ khung ô vuông đều đặn. Tất cả các chi tiết trang trí đều thực sự đơn giản, toát lên vẻ hiện đại của tổng thể công trình. Toàn bộ khối nhà tạo cho ta sự liên tưởng tới những đỉnh núi nhấp nhô của vùng đất cao nguyên.
Ở mặt đứng phía đông có thêm các dãy mái che bằng bê tông chạy dài dọc theo 2 bờ “quai” đón khách, càng tạo thêm dáng thanh thoát và tiện nghi cho công trình.
Không gian nội thất được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái. Đây chính là phòng chờ cho hành khách, một không gian rộng lớn với các góc cạnh và đường nét ngay hàng thẳng lối, vừa uy nghi cao cả nhưng cũng thật giản dị.
Đây là một công trình có kiến trúc đẹp và độc đáo của thành phố Đà Lạt và của cả nước ta.
Trước đây, nhà ga Đà Lạt đã từng được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp nhất tại Đông Dương. Ngày 28-12-2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận ga Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.
Nhà Thủy Tạ
Vào năm 1919, khi Hồ Lớn (Grand Lac) được tạo lập để tạo cảnh quan trung tâm Đà Lạt, kiến trúc sư Hébrard đã không quên nhấn nhá thêm một nét duyên cho mặt hồ, và một đảo nhỏ hình oval gần như tròn (d= 64-68m) đã hình thành, là điểm kết không gian của trục đường đi dạo từ khách sạn Palace để tiếp cận không gian mặt nước của hồ. Đầu tiên, một nhà sàn bằng gỗ xinh xắn như mời chào những khách nhàn du muốn dừng chân câu cá. Một thời gian sau, vào khoảng đầu thập niên 30, Nhà Thủy Tạ với chức năng là một Câu lạc bộ thể thao dưới nước (bơi lội, thuyền chèo,...) đã được xây dựng với kiến trúc tuy nhỏ mà độc đáo, có hình dạng tựa một tổ êch (grenouillère), cấu trúc nhà sàn trên cột như bay bỗng trên mặt nước. Hệ thống cầu nhảy ba cấp cao với mặt đứng chỉ gồm những nét thẳng dứt khoát và thanh mảnh. Sau đó do nhiều nguyên nhân, phong trào thể thao bơi lội ở Đà Lạt không phát triển được, Câu lạc bộ được giao thầu khai thác như một quán giải khát nhỏ. Sau 1975, Nhà Thuỷ Tạ trở thành một nhà hàng nhỏ dưới sự quản lý điều hành của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Công trình kiến trúc Nhà Thuỷ Tạ luôn được tô điểm với màu vôi trắng như nổi lên những màu xanh của quang cảnh thiên nhiên và đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt.
Viện nghiên cứu hạt nhân
Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt là công trình hiện đại do Mỹ viện trợ, được chọn lựa xây dựng trên một ngọn đồi rộng 11ha, nằm ở phía đông bắc trung tâm Đà Lạt. Công trình này được dư luận báo chí đương thời quan tâm giới thiệu rộng rãi cả trong và ngoài nước.
Đồ án Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt dược xây dựng từ năm 1958, do KTS Ngô Viết Thụ đảm nhận cùng các KTS phụ tá: KTS Nguyễn Mỹ Lộc, KTS Phạm Quỳnh Lân, KTS Vũ Tòng. Người Mỹ cung cấp một đồ án kiểu mẫu, theo đó lò nguyên tử sẽ đặt trong một toà nhà vuông nối tiếp là những khối chữ nhật dành cho các phòng vật lý và hoá học.
KTS Ngô Viết Thụ đã phát biểu trong một cuộc họp báo:
“. . . Đã có sáng kiến sửa đổi hình thức bên ngoài các toà nhà để trước hết được thích hợp với phong cảnh đồi núi xung quanh và sau là để phù hợp với nền văn minh cổ truyền của chúng ta. Vì vậy nên toà nhà vuông chứa lò nguyên tử đã trở thành hình ống, toạ lạc giữa một cái cung tròn gồm có những phòng vật lý và hoá học. Khoảng trống giữa khung tròn và toà nhà hình ống chứa lò nguyên tử đã được biến thành một biểu tượng cho bát quái đồ, hình tròn trong đó có sự kết hợp giữa lối kiến trúc tối tân của thời đại nguyên tử và lối kiến trúc cổ truyền”.
Lời nói đó nói lên ý đồ sáng tạo của các nhà kiến trúc: kết hợp hài hoà giữa công năng công trình kiến trúc với cảnh trí thiên nhiên của Đà Lạt.
Lò nguyên tử TRIGA Mark II hình tròn, bán kính 10m, nhô lên với một khối hình ống có điểm những trụ đứng mảnh chia nhỏ mặt tường lớn khô khan. Xung quanh hạt nhân trung tâm đó là những hạng mục kiến trúc xen kẽ cách ly bằng thảm cỏ vườn hoa, nối kết với nhau nhờ những đường hành lang theo hình tròn và đường trục xuyên tâm.
Lò phản ứng VNR-1 (Viêt Nam Reactor-1), được đưa vào vận hành từ tháng 3-1963 với công suất 250 KW, là loại lò TRIGA Mark II do hãng General Atomic của Mỹ chế tạo.
Ba mục tiêu chính của lò là nghiên cứu, huấn luyện, sản xuất đồng vị (chữ viết tắt TRIGA gồm: T-Training, R - Research, I - Istope production, GA - General Atomic). Diện tích xây dựng công trình gần 2000m2, kinh phí xây dựng khoảng 22.000.000 đồng (tiền Sài Gòn cũ); giá trị thiết bị nhập là 700.000 US$.
Sau ngày giải phóng, trên cơ sở cũ, Viện Nghiên cứu hạt nhân được thành lập theo Quyết định số 64/CP ngày 26-4-1976 của Thủ tướng Chính phủ. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, sự tài trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Nhà nước ta đã đầu tư công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân từ 1997-1983. Ngày 20-3-1984, lò phản ứng với tên mới IVV-9 chính thức đi vào hoạt động với công suất 500 kW, tăng gấp hai lần so với trước.
Phân viện sinh học tại Đà Lạt
Phân viện sinh học tại Đà Lạt nguyên là tu viện Dòng Chúa cứu thế, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Đà Lạt ở độ cao 1.548m, thuộc sở đất có diện tích 35ha, do Jean O’Neill khai thác từ năm 1925. Năm 1942, ông Jean Baptiste Cassaigne, Giám mục Sài Gòn đứng tên mua lại. Năm 1948, các cha Dòng Chúa cứu thế khởi công xây dựng tu viện này, đến năm 1952 hoàn thành. Đường dẫn từ đường chính vào tu viện dài hơn 500m tiếp cận một sân rộng rãi và bằng phẳng, có tầm nhìn thoáng đảng. Công trình theo kiểu kiến trúc mới, nhưng có bố cục hình khối đối xứng, cao 4 tầng với môt tầng hầm ở về phía sườn đồi thấp. Mặt ngoài, phần lớn được xây ốp đá kiểu, tạo cảm giác rất vững chắc và bề thế. Lối vào chính nằm giữa trục chính của toà nhà, được nhấn mạnh bằng khối mái đón vươn hẳn ra ngoài, được đỡ bằng 2 trụ xây đá kiểu vừa to vừa mạnh mẽ. Nổi cao lên ở mặt tiền có cây thánh giá gắn kết trên dòng chữ bằng tiếng la tinh: ”COPIOSA APUDEUM REDEMPTO”, có nghĩa là ”Ơn cứu độ chan chứa nơi Ngài”.
Các tiện nghi kỹ thuật rất hiện đại vào thời đó: sử dụng hầm khí sinh vật (biogaz) cung cấp khí đốt, hệ thống bơm nước từ thung lũng suối đưa lên công trình.
Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã sử dụng cơ sở này cho các hoạt động công ích. Đến ngày 5-9-1978, công trình được chuyển giao thành Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tại Đà Lạt thuộc Viện Khoa học. Ngày 22-6-1993, Trung tâm được đổi tên thành Phân viện sinh học tại Đà Lạt thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới trực thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia.
Phân viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật, xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên, có tổ chức cho tham quan, nghiên cứu, học tập.
Chợ Đà Lạt
Năm 1929, Đà Lạt có dân số hơn 2.000 người, công sứ Chassaing cho xây dựng một ngôi chợ bằng gỗ, mái lợp tôle, có tên gọi là Chợ Cây ( tại vị trí khu Hoà Bình hiện nay), thay cho khu họp chợ ở ấp Ánh Sáng. Chợ và khu vực chung quanh đã tạo nên một trung tâm rất sôi động của sinh hoạt thành phố lúc bấy giờ. Năm 1937, một trận hoả hoạn lớn xảy ra, thiêu rụi chợ với hàng quán chung quanh. Sau đó, công sứ Lucien Auger cho xây dựng lại ngôi chợ mới bằng gạch khang trang, đáp ứng nhu cầu mua bán sinh hoạt cho hơn 6.500 người dân. Công tác này được nhà thầu SIDEC đảm nhận. Chợ Đà Lạt hoàn thành một thời được xem như là biểu tượng của thành phố cao nguyên. Ngay mặt tiền ngôi chợ, trên tường đầu hồi (fronton) có gắn nổi huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc, người nữ mang gùi, người nam tay cầm ngọn giáo nhắm vào một con cọp. Bên dưới có một câu cách ngôn bằng tiếng latin chiết tự khéo léo thành danh xưng Dalat: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là cho người này niềm vui, cho người khác sức khoẻ. Họa báo Châu Á mới (L’ Asie nouvelle illustrée), số 56, xuất bản năm 1937 đã có bài viết về ngôi chợ: “Ngôi chợ này tuy kiến trúc giản dị, nhưng rất độc đáo”. Ngôi chợ đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt, một hình ảnh quen thuộc trong ký ức của những người từng sống lâu năm ở đây.
Sau năm 1954, Đà Lạt trở nên đông đúc với số dân hơn 53.000 người. Năm 1958, thị trưởng Trần Văn Phước cho chỉnh trang lại khu vực trung tâm thương mại. Vùng đất trống dưới thung lũng được tính toán xây dựng một ngôi chợ mới có 2 tầng và một sân thượng. Vào lúc đó, đây là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam. Công trình do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu đảm nhận thi công.
Khi KTS Ngô Viết Thụ từ Pháp về, ông được mời tham gia đồ án chỉnh trang tổng thể khu vực thung lũng từ cầu Ông Đạo trở vô. Ông thiết kế bổ sung một cầu thang lớn nối từ khu Hòa bình vào tầng lầu của chợ, các dãy phố buôn bán và hệ thống đường giao thông bao quanh.
Riêng về ngôi chợ cũ, cùng thời gian đó, được thiết kế cải tạo thành rạp hát Hòa Bình với các cửa hàng thương mại dịch vụ chung quanh. Đồ án thiết kế do hai KTS Huỳnh Kim Mãng và Lâm Du Tốt thiết lập.
Năm 1993, nhân kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, chợ Đà Lạt được chỉnh trang nâng cấp mở rộng như hiện nay.
KTS LÊ TỨ
KTS TRẦN CÔNG HOÀ
KTS NGUYỄN PHÁP
LAVENDER TRAVEL Add: 2/21 Nguyen Trai st, Da Lat ,Viet Nam Tel: (84.63) 3588 0000 - Fax:(84.63)383 6068 Email: tours@lavendertravel.com.vn - Web:www.lavendertravel.com.vn
Chọn ngôn ngữ hiển thị
25/5/09
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài Đã Đăng
Bài đăng Phổ biến
-
Nghe đến dâu tây Đà Lạt chắc bạn đã hình dung ra được vị chua chua , ngọt ngọt sự thích thú ấy còn gì bằng khi được chiêm ngưỡng và tận mắt ...
-
Không đâu trên cả nước lại có nhiều mặt hàng lưu niệm, nhiều đặc sản như xứ sương mù này. Đến Đà Lạt không nhiều thì ít bạn cũng phải ra chợ...
-
PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI Xe Phương Trang Tại TP.HCM địa chỉ: 272 Đề Thám - Quận 1 - (08) 3 837 5570 Tại Đà Lạt: Bến xe liê...
-
River Prince, một khách sạn 4 sao tọa lạc ngay tại thành phố Đà Lạt và chỉ mất 7 phút đi bộ ra khu chợ trung tâm, với 104 phòng sang trọng...
-
(đảm bảo rẻ hơn so với đặt trực tiếp tại khách sạn) Dịch vụ đặt phòng giá rẻ, chuyên nghiệp, nhanh chóng, tiện lợi. Với kinh nghiệm nhiều ...
-
Những địa điểm ăn chơi tại Đà Lạt he he mai đi Đà Lạt post cho bà con bít Đà Lạt Mộng Mơ - Tình Iu Cà phê ở Đà Lạt rất đa dạng, ...
-
Chương trình dành cho khách tham quan T.P Đà lạt ( 1 ngày: ghép đoàn ) ĐÀ LẠT – THÀNH PHỐ NGÀN HOA Loại tour: tour ghép đoàn trong thành...
-
Hiện nhiều quầy sách, báo ở Đà Lạt có bán nhiều loại bản đồ du lịch (loại gấp ) để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước, nhưng chỉ có ...
-
Đà Lạt - Mùa dã quỳ Nắng dát vàng trên những sườn đồi, trời se se lạnh, báo hiệu mùa mưa Đà Lạt dần khép lại! Lớm chớm bên những đồi thông...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Một số lưu ý khi bạn nhận xét bài trong VisitDalat'sBlog
Không nhận xét những lời lẽ thiếu văn hóa, ảnh hướng đến thuần phong mỹ tục,Ngôn ngữ chuẩn mực ,Không đả khích chê bai,Chính trị, tôn giáo ,Khuyến khích các bài viết hay mang tính xây dựng cao
Rất mong sự ủng hộ và đóng góp của bạn cho VisitDalat's Blog