Chọn ngôn ngữ hiển thị

15/11/10

Đà Lạt - Cội nguồn âm thanh

Các bề mặt cao nguyên xếp tầng có độ chênh cao tới 500m tạo ra các "bước hụt" cho các sông, suối mỗi khi chuyển từ mặt cao nguyên xuống mặt cao nguyên thấp hơin. Dòng nước không còn ở tình trạng chảy nữa mà rơi từ mặt bằng trên xuống mặt bằng dưới, tạo nên những thác nước hoạt động triền miên cùng năm tháng lan truyền trong không trung tiếng ầm ì mênh mang như âm hưởng của hồn thiêng đất nước.
Vì vậy trên đoạn đường lên dốc, nhìn qua ô cửa kính, du khách không chỉ thấy một thác nước mà sẽ bắt gặp cả một chùm thác liên tiếp nhau, mỗi thác có một vẻ kỳ ảo khác nhau, lúc náu mình trong lùm cây xanh, lúc lại xuất hiện lóng lánh như những con rắn bạc đang trườn mình xuống núi. Những người yêu thiên nhiên, thích ngắm phong cảnh đẹp, các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ, họa sĩ, nhất là các nhà nhiếp ảnh hầu như không ai đành bỏ qua những ngọn thác, những chùm thác, nét trang điểm đặc sắc của Tây Nguyên nói chung, của Đà Lạt nói riêng. Đó là những sản phẩm đặc biệt của vùng núi và cao nguyên xếp tầng.
Nét độc đáo của Đà Lạt là thác nước xuất hiện ngay ở trung tâm thành phố. Một dòng suối nhỏ với cái tên rất thơ mộng là suối Cam Ly vận chuyển nước hồ Xuân Hương lượn lờ uốn khúc qua nhiều khu phố, như một dải lụa xanh mềm mại, tô điểm cho Đà Lạt thêm vẻ yêu kiều, duyên dáng. Cách hồ chừng 2 km về phía tây dòng suối đang chảy êm đềm bỗng vấp phải những khối đá hoa cương lì lợm, bướng bỉnh chặn ngang lối đi, nó lồng lên giận dữ, chia nước thành nhiều dòng nhỏ, dồn sức chảy xoáy vàp các khe đá nứt, vượt trào qua các khối đá chặn đường, quyết tìm ra lối đi mới cho mình. Do lượng nước nhỏ, lực phá hủy và vận chuyển yếu dòng suối không đủ sức phá băng các khối đá rắn chắc, nhưng với sức bền bỉ không biết mệt mỏi, dòng nước đã ngày đêm mài giũa làm cho các khối đá trong lòng suối dần dần trở nên tròn trịa, không còn giữ được cái bộ mặt gai góc, sắc cạnh lúc ban đầu. Rồi, với tư thế chiến thắng, dòng nước reo vui, nhảy nhót tung bọt trắng xóa, ào ào trút xuống tầng đá mềm bên dưới, để rồi sau đó lại êm ả trôi trên mặt bằng mới.
Thác Cam Ly không gây ấn tượng về sự hùng vĩ của thiên nhiên mà còn phối hợp hài hòa với những tạo tác tuyệt mỹ của con người, hình thành một khu công viên đầy thơ mộng. Phần đông du khách đều say sưa chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc tráng lệ, những đình, miếu mạo, những chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh được đặt vào đúng chỗ mà cảnh sắc thiên nhiên còn khiếm khuyết làm cho các công trình nhân tạo đượm màu sắc huyền ảo, hư hư thực thực. Cũng có những du khách ưa ngồi lặng lẽ hàng giờ trên các mỏm đá nhẵn bóng của thác Cam Ly, thả cặp mắt mơ màng, tìm kiếm những nhánh hoa tím mảnh mai mọc cheo leo trên vách thác, suy tưởng về một mối liên hệ nào đó giữa những cánh hoa rừng và những dòng nước ồn ào chảy xiết. Và, phải chăng chính vì mối liên hệ đó mà những nhánh hoa kia đã mang cái tên kỳ lạ "Xin đừng quên tôi !". Đến đây xin các bạn đừng vội nôn nóng, các bạn hãy cứ suy nghĩ theo cách nghĩ riêng mình để tìm ra lời giải thích về cái tên loài hoa mang tình người này.
Tất nhiên sự hiện diện của một ngọn thác như thác Cam Ly ngay tại trung tâm thành phố Đà Lạt, nghĩa là trên mặt bằng của bình sơn là một trường hợp hiếm thấy và chắc chắn không thể là một ngọn thác cao. Muốn thấy các thác nước lớn phải tìm ở bộ phận sườn của các cao nguyên, nghĩa là ở nơi sông suối đổ từ một bề mặt tương đối bằng phẳng ở trên cao xuống các bề mặt ở bên dưới theo các sườn dốc đứng. Trong những trường hợp này thuật ngữ "thác nước" mới được sử dụng đúng nghĩa, vì ở các "thác nước" dòng nước không còn phải là chảy mà là rơi xuống, đổ xuống, trút xuống.
Nếu bạn chưa thỏa mãn về vẻ hùng vĩ tự nhiên của thác Cam Ly thì mời bạn hãy đi quá khỏi trung tâm Đà Lạt chừng mươi cây số, thăm các vùng ngoại ô của Đà Lạt chắc chắn bạn sẽ phải nhiều lần trầm trồ và sẽ không còn băn khoăn gì nữa với những tên gọi Đà Lạt là "thành phố rau", "thành phố của hoa thơm quả ngọt". Khi nghe vang vang trong không trung tiếng ì ầm, mênh mang, phân biệt với tiếng thông reo vi vút, xin bạn hãy cố dấn thêm một ít bước nữa bạn sẽ phát hiện ra cội nguồn của thứ âm thanh bất tận sẽ phát hiện ra cội nguồn của thứ âm thanh bất tận rất quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên. Đó là các ngọn thác, tạo tác của thiên nhiên vĩ đại.
Chẳng hạn, đi về phía tây bắc, cách trung tâm thành phố chừng 15 km sẽ gặp thác Angkroet cao 18 m, do con sông Đa Dung đổ từ cao nguyên Lâm Viên xuống để hối hả về xuôi, tiếp nước cho sông Đồng Nai. Dáng vóc của thác Angkroet vẫn chưa gây cho con người cảm giác sợ hãi về sự giận dữ của tự nhiên, nhưng cũng đã đủ để tạo ra xúc cảm về núi sông hùng vĩ. Cũng có người lại ca ngợi thác Angkroet là bức tranh sơn thủy hữu tình...
Nếu bạn có thú ngắm thác, say thác nhưng còn chưa toại nguyện về sự phong phú của các thác nước trên bình sơn Đà Lạt thì xin mời bạn tiếp tục tham quan đoạn đường 20, từ rìa cao nguyên Di Linh lên rìa cao nguyên Lâm Viên, chỉ chừng 40 km, bạn sẽ gặp liền một chuỗi bốn ngọn thác. Mỗi ngọn là một thắng cảnh tuyệt vời, với những cái tên nghe ríu ra ríu rít như tiếng chim Cơ tia, Cơ túc của núi rừng Tây Nguyên vậy. Đó là thác Gu Ga, thác Prenn, thác Đa Tan La, thác Pông Gua. Trong đó thác Prenn hình như được nhiều người cho là đẹp nhất và hầu như được chọn làm biểu tượng độc đáo của phong cảnh thiên nhiên Đà Lạt.
Thác Prenn nằm ngay bên đường đi lên Đà Lạt, cao chừng 13 m, xuất hiện như một bức rèm trắng muốt che cửa ra vào của thành phố Đà Lạt. Đến đây các bạn không còn phải nghi ngờ gì nữa là các bạn đã chính thức đặt chân lên cửa ngõ của thành phố Đà Lạt. Đó là tiếng thác nước chảy ì ầm, tiếng thông reo vi vút, mùi nhựa thông thơm nồng, những toà biệt thự kiểu cách, ẩn hiện dưới tán rừng thông thuần loại, không khí mát rượi, thoáng đãng của mùa xuân vĩnh cửu. Đà Lạt, một thành phố hiện đại nhưng vắng hẳn không khí ồn ào, nhộn nhịp của các hoạt động thương nghiệp, công nghiệp mà luôn giữ vẻ yên tĩnh, êm đềm của một thành phố du lịch, nghỉ ngơi... Cột mốc bên đường chỉ 12 km nữa là tới trung tâm Đà Lạt.
Khác với các thác nước khác, chân thác Prenn bị nước rơi mạnh, khoét sâu thành một hàm ếch lớn. Người ta đã khéo nghĩ ra việc bắc một chiếc cầu rất duyên dáng qua dòng suối chảy bên trong hàm ếch để khách có thể dạo chơi luồn lách sau bức rèm nước lóng lánh mầu sắc cầu vồng, ào ạt đổ từ trên sườn núi cao xuống. Qua cầu các bạn thanh niên nam nữ thường giơ tay hứng bụi nước, trao tặng nhau những cánh hoa bay. Họ tranh nhau đuổi theo những cánh bướm nhởn nhơ trên các đồi thông thơ mộng, rồi dắt nhau dạo chơi trên một vườn hoa nhỏ, tạo dáng rất tài tình dưới chân thác hoặc ngồi thoải mái trên các bậc thềm lên nhà nghỉ mà say sưa ngắm cảnh sơn thủy hữu tình. Bức tranh toàn cảnh ở đây là sự kết hợp nhuần nhị giữa trời mây, non nước mà ngọn thác Prenn là một nét chấm phá vô cùng sống động.
Lớn nhất là thác Pônggua. Từ độ cao 40 mét, dòng nước ầm ầm trút xuống, sủi bọt như sôi, tung bụi nước làm ẩm cả một vùng. Cây cối mọc xung quanh thác được tắm sũng bằng hơi ẩm, luôn luôn xanh tốt, khoác trên mình một tấm áo nhung rêu xanh mịn. Các vách đá ẩm là môi trường thuận lợi cho phong lan phát triển đủ các loại. Trên đường 20 đi lên Đà Lạt, khi gặp cầu Đa Nhim, cách Đà Lạt 46 km, qua hơi gió cao nguyên mát rượi bạn sẽ nghe thấy tiếng thác gọi vang xa. Men theo sông, hướng về phía thác gọi bạn hoàn toàn đủ sức đi bộ tới tận chân thác vì khoảng cách chỉ còn độ năm, sáu cây số nữa là cùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một số lưu ý khi bạn nhận xét bài trong VisitDalat'sBlog
Không nhận xét những lời lẽ thiếu văn hóa, ảnh hướng đến thuần phong mỹ tục,Ngôn ngữ chuẩn mực ,Không đả khích chê bai,Chính trị, tôn giáo ,Khuyến khích các bài viết hay mang tính xây dựng cao
Rất mong sự ủng hộ và đóng góp của bạn cho VisitDalat's Blog

Bài Đã Đăng

Bài đăng Phổ biến